Lầu chuông nơi gióng tiếng chuông hoàng bình tràng phục linh. Ảnh TG
Tự thấy bản thân có “sứ mạng thiên định”
Thực ra đạo Dừa Nguyễn Thành Nam bảo “làm hòa bình” là phong cách ngôn ngữ cố hữu của ông. Ông không nói đi tìm đường lối giúp Nam- Bắc thống nhất một mối mà ông bảo “làm” để thể hiện niềm tin bản lĩnh chánh trị mà bao năm tu thiền hun đúc được. Với đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, hòa bình cũng đơn giản như chuyện ông tịnh khẩu hàng chục năm trời, hay uống nước dừa ngày nối ngày mà vẫn sống khỏe mà thôi. Từ đó đạo Dừa Nguyễn Thành Nam bắt đầu có những chuyến đi vận động hòa bình mà kể ra chỉ có thể bịt miệng cười đến chảy nước mắt.
Vào những năm đầu thập niên 60, Nguyễn Thành Nam dù mới tuổi trung niên nhưng do thời gian dài tu hành khắc khổ, ăn chay trường, uống nước dừa, ngủ ngồi khiến thân thể chẳng khác gì một ông lão. Thân thể rúm ró chỉ da bọc xương, tóc để chỏm dài ngoằng hàng chục năm không tắm gội nên vàng hoét, xoắn lại như nùi rơm, quấn quanh người. Do quanh năm suốt tháng thiền tu, ngủ ngồi nên xương sống cong vòng, phần cổ khòng xuống như bị dị tật không thể đứng thẳng. Điểm hài nhất trên khuôn mặt ông chính là bộ râu. Râu ông đạo Dừa chẳng giống ai trong số đệ tử hàng trăm ngàn người đang theo tu hành: Một chỏm dài ở cằm, ai bên mép hai chùm nhỏ lòng thòng, thành ra mỗi khi ông cười, nói gương mặt khá biểu cảm. Ngoài ra, dù ở “đại giang sơn cồn Phụng” (ông tự đặt ở xã Tân Thạch, huyện Tân Thành, tỉnh Bến Tre) hay đi ra ngoài hành đạo ông cũng chỉ có ăn vận mỗi một bộ áo màu đà có 4 lỗ hở ở ngực (ý áo rách nhưng tâm lành lặn) nom khắc khổ. Đặc biệt mỗi khi “khai khẩu” ông đạo Dừa đều xưng mình là Cậu Hai, dụng ngôn kiểu “ý tại ngôn ngoại”, mang nhiều hàm nghĩa khiến người ta “vặn óc” mới hiểu được. Vậy nên, dù ở đâu ông cũng được người ta dễ dàng nhận ra và coi đó là một người “đặc biệt”.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu một ngày nọ ông không tự cho rằng mình nhìn thấy “thiên cơ”, sứ mệnh là phải kiến tạo hòa bình. Ông bảo, chỉ có một nhà tu hành chủ trương cho các tôn giáo trên thế giới và trong nước có thể “bắt tay nhau” cùng sống hạnh phúc một nhà như ông mới có đủ phẩm chất nói chuyện hòa bình. Chỉ có một người từng có bằng kỹ sư hóa học và được người đời tôn vinh là “bác vật lang”, từng lĩnh hội kiến thức Tây- Đông nhuần nhuyễn như ông mới có đủ tài tìm ra con đường hòa bình đang bí bách lúc bấy giờ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tư tưởng “làm hòa bình” của đạo Dừa thể hiện ở những công trình kiến trúc trong di tích “đại giang sơn cồn Phụng”. Mất khá nhiều thời gian và phải nhờ một nữ hướng dẫn viên (C.ty TNHH Du lịch- Dịch Vụ- Thương Mại cồn Phụng) dẫn đường chúng tôi mới thăm hết những công trình mà ông Đạo dừa chủ trương kiến tạo ngót nửa thế kỷ trước. Theo đó, mỗi một công trình ông đạo Dừa đều cho xây với một dụng ý. Chiếc tháp chuông có gắn chiếc chuông lớn ông gọi là Đại hồng chung, nó có tác dụng ngân lên tiếng chuông hòa bình, lúc sinh thời phải đích thân ông tự tay gióng. Hội trường hòa bình là nơi cầu nguyện có 9 cột lớn có 9 con rồng giả quấn quanh sơn son thiếp vàng với ý nghĩa tượng trưng cửu long giang 9 nhánh đều đổ về một biển lớn (biển hòa bình).
Chưa hết, chiếc thuyền Bát Nhã to như cái phà gồm 3 tầng đậu ngay đầu cồn Phụng có sức chở hàng ngàn người với dụng ý ông là trung gian chở con người đến bến bờ hạnh phúc. Rất tiếc nay chiếc thuyền đã không còn. Và rồi rất nhiều công trình nữa như chùa Nam Quốc Phật (ý mang tầm quốc gia), quả địa cầu bằng mô hình khổng lồ được treo cao trên tòa hoa sen lớn thể hiện trái đất một ngày nọ sẽ được sống trong hòa bình, bác ái nếu ông thực hiện được “thiên mệnh”. Tất cả ông chỉ nói một câu: “Bất chiến tự nhiên thành”, tức làm hòa bình chẳng cần vũ lực.
Bị bắt nhiều lần vì mang “sứ mệnh hòa bình”
Quả địa cầu mô hình nằm trên đài sen. Ảnh TG
Ở khu lăng mộ của ông đạo Dừa (xã Tân Thạnh) chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Hải là em ruột cùng cha khác mẹ với ông đạo Dừa. Ông Hải năm nay đã 77 tuổi, tóc búi củ hành, cũng ăn chay niệm Phật, ngày ngày hương khói ở khu lăng mộ của ông đạo Dừa. Có hàng chục năm cùng tu hành với anh trai nên ông Hải khá nắm rõ những chuyện ông đạo Dừa làm. Ông bảo, giai đoạn sau của cuộc đời ông đạo Dừa gần như bỏ công sức đi vận động hòa bình không biết mệt mỏi, thậm chí bất chấp tính mạng. Ông Hải chỉ cho chúng tôi những bức ảnh đen trắng lưu niệm còn treo trên tường nhà. Đó thực sự là những “sê-ri ảnh” nói về cuộc đời làm chính trị của ông đạo Dừa. Ngày ông bị Ngô Đình Diệm bắt tống vào trại tâm thần, lần ông vượt biên sang Campuchia đi thương thuyết hòa bình bị chính quyền sở tại giam giữ và trục suất, lần ông lên Dinh Độc Lập để xin xuất ngoại vận động hòa bình… được chụp lại khá sống động.
Ông Hải kể, hồi nền Đệ nhất cộng hòa của ông Diệm thì đạo Dừa Nguyễn Thành Nam bị bắt giam rất nhiều lần vì chính quyền cho rằng ông có ý bước chân vào làm chính trị. Nhất cử nhất động của ông được báo giới chú ý, lời nói của ông chứa chan đạo đức, đạo lý và minh triết nên nhiều người theo. Thậm chí, lợi dụng uy danh của ông, có lần viên cảnh sát thực hiện chế độ dồn dân lập ấp chiến lược mà dân không đi, đành phải nhờ ông đến nói hộ để dân yên tâm sinh sống trong ấp nhưng ông nhất định từ chối. Ông Hải kể, hồi đó ông Đạo dừa xây dựng cồng Phụng với mô hình như một giang sơn lý tưởng thu nhỏ. Ở đó có ban bệ, có đệ tử như sứ giả, đặc biệt thanh niên ở cồn Phụng không phải đi lính nên bị chính quyền Sài Gòn “để mắt”.
Vào một ngày nọ, ông đạo Dừa đang ngồi khoanh chân chữ ngũ trên thuyền Bát Nhã cặp mé sông, mắt lim dim nghe đài phát thanh Sài Gòn tường thuật vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức (11/6/1963). Sự kiện này được xem là chấn động trong giới Phật giáo và chính quyền Miền Nam hồi bấy giờ. Có lẽ sợ ông đạo Dừa “té nước theo mưa” nên ngay trong ngày Ngô Đình Diệm bất ngờ lệnh cho quân cảnh đến bắt giải thẳng lên Sài Gòn. Ông bị tra khảo mất một tuần lễ sau đó chuyển sang khám Chí Hòa, thì ngày 2/11/1963 tiếng súng đảo chính nổ ra khiến anh em họ Ngô chết thảm. Cuộc đảo chính của nhóm sĩ quan trẻ được xem là đại biểu của cách mạnh mới nên ông đạo Dừa lại được thả ra. Trở về cồn Phụng, ông lại tiếp tục đi “vận động hòa bình”.
Ông Hải chỉ tay vào bức ảnh khá đặc biệt, bên trong chụp ông đạo Dừa bên một chiếc xe hơi hiệu Lambretta màu đen bóng, đó là chiếc xe mà giới đồng đạo sắm cho ông đi vận động hòa bình. Chính chiếc xe này, cùng một đệ tử là tài xế riêng đã đưa ông không biết bao nhiêu lần ngược xuôi giữa cồn Phụng và Sài Gòn để ông đạo Dừa “làm chính trị”. Thời điểm từ năm 1965, 1966, 1967 có ngày ông sáng đi Sài Gòn đến 2,3 lần để gặp các lãnh đạo quốc gia. Ông trình bày sáng kiến hòa bình, chấm dứt chiến tranh hoặc xin xuất ngoại để đàm phán hòa bình với các nước uy tín trên thế giới. Trong giai đoạn này cơ bản có những chuyến như: Lần vượt biển Thái Bình Dương bất thành năm 1965; Chuyến vượt biên giới Lào năm 1966 bị cán bộ Mặt trận giải phóng miền Nam bắt giam 40 ngày ở rừng vì nghi gián điệp; Rồi chuyến vượt biên giới sang “nói chuyện” với quốc vương Campuchia bị bắt giam cầm mất 3 tháng.
Những nỗ lực bất mệt mỏi để thực hiện “thiên cơ” hòa bình của ông đạo Dừa trong con mắt của chính quyền Sài Gòn lúc đó thực ra như một trò bỡn cợt thái quá nên đều bị ngăn chặn. Nhưng chính những lần “nói là làm” ấy mà ông đạo Dừa ngày càng được “để mắt”. Chính quyền Sài Gòn ra sức cản trở, coi những “sáng kiến hòa bình” của ông là trò hợm hĩnh, ngô nghê không thèm đếm xỉa tới. Không chấp nhận, ông đạo Dừa quyết định đứng ra tranh cử chức “Đại Tổng thống” (ngôn từ của ông đạo Dừa) nhiệm kỳ 1971-1975 để có cơ hội thực hiện ý nguyện hòa bình của mình
bệnh thần kinh.
Hàn Phong- An Nhàn
Kỳ 5: Những cuộc vận động hòa bình hài hước của đạo Dừa để ra tranh cử “Đại Tổng thống”
Comments[ 0 ]